Tình Trạng Sún Răng Cửa Ở Trẻ – Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Nội dung chính
Việc sún 2 răng cửa của trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh thường không quan tâm lắm đến vấn đề này bởi suy nghĩ răng sữa sẽ sớm được thay thế bởi răng vĩnh viễn khi trẻ đến một độ tuổi nhất định. Sự thật không phải vậy, ngoài yếu tố về thẩm mỹ, nó còn kéo theo rất nhiều tác hại mà cha mẹ cần tìm hiểu và khắc phục ngay cho bé.
Sún răng cửa là gì? Biểu hiện như thế nào?
Sún răng cửa nói chung là một bệnh lý về răng miệng, làm tiêu dần đi răng sữa của trẻ. Điều này khiến cho cấu trúc của răng bị phá hoại nặng nề. Thông thường, tình trạng sún răng hay xảy ra ở hàm trên.
Cấu trúc của hàm răng sữa về cơ bản giống với cấu trúc của hàm răng vĩnh viễn. Cấu tạo răng bao gồm lớp vỏ cứng bên ngoài, tiếp đến là men răng và sau cùng là ngà răng. Tuy nhiên, ở hàm răng sữa, lớp men răng và ngà răng tương đối mỏng, do đó mà răng của trẻ rất dễ bị tổn thương. Vi khuẩn làm cho răng cũng như thể tích ở thân răng mủn đi, hay còn được gọi là sún răng.
Biểu hiện của sún răng cửa rất dễ dàng phát hiện. Đầu tiên, trên răng sẽ xuất hiện một chấm nâu đen ở bề ngoài, theo thời gian răng đó sẽ tiêu đi, dần dần chỉ còn những mỏm răng nằm sát với lợi. Cũng chính vì lý do sún 2 răng cửa không làm đau nhức đến các bé, nên các bậc cha mẹ còn ít quan tâm. Nhưng nếu không chữa trị kịp thời, nó rất dễ lây lan đến cả những răng xung quanh.
Sún răng cửa ở trẻ do nguyên nhân nào?
Sún răng cửa có thể do các nguyên nhân như sau gây nên:
- Do yếu tố di truyền: răng cũng mang nhiều yếu tố về di truyền. Điều này xảy ra nếu cha hoặc mẹ, thậm chí là ông bà, có men răng yếu, rất có khả năng bé cũng bị di truyền về đặc điểm này.
- Thói quen uống sữa: Là trẻ con thì chắc chắn sẽ thích uống sữa. Tuy nhiên, nếu bé sử dụng quá nhiều cũng gây hại đến cấu trúc răng. Sữa là chất có lượng đường cũng như tính bám dính cao, dễ lên men và sản sinh ra axit tấn công men răng. Đặc biệt, do bé cũng chưa ý thức được vấn đề này, cũng như chưa biết cách chăm sóc răng miệng khỏe mạnh, nên tình trạng sún răng cửa rất khó có thể tránh khỏi.
- Do trẻ bị thiếu chất: Nếu chế độ dinh dưỡng của bé thiếu các chất dinh dưỡng như Canxi, Flour, thiếu vitamin C hoặc sản men răng tự nhiên, cũng là một trong số các nguyên nhân khiến trẻ bị sún răng cửa.
- Do bé thường xuyên ăn những chất ngọt: Răng cửa thường dễ bị tổn thương nhất. Chính vì vậy, khi bé sử dụng nhiều các chất ngọt như các loại thức ăn nhanh, các loại nước uống có ga cũng rất dễ gây nên tình trạng sún răng cửa.
- Do mẹ dùng thuốc kháng sinh khi mang thai: Nhiều thai phụ không biết đến vấn đề này. Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng bé bị sún răng cửa, đó là do ảnh hưởng của các loại thuốc kháng sinh trong quá trình mang thai (Doxycycline, Tetracycline,…), khiến men răng của bé bị yếu đi.
Sún răng cửa dẫn đến tác hại như nào?
Từ những thông tin bên trên, chúng tôi chắc rằng các bậc phụ huynh cũng phần nào hiểu được tác hại mà sún răng cửa có thể gây nên. Chung quy lại, có những tác hại sau mà cha mẹ nên ghi nhớ để phòng tránh cho con kịp thời:
- Vấn đề thẩm mỹ: Mặc dù sún răng cửa cũng không gây quá nhiều đau đớn cho con trẻ, nhưng răng sún là răng bị mủn, đen. Khiến các bé có tâm lý ngại, xấu hổ vì bị trêu khi cười nói, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý trẻ nhỏ.
- Ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ nhỏ: Thông thường, răng cửa dễ tổn thương và sẽ bị sún đầu tiên trong cả hàm. Tuy nhiên, đến khoảng độ từ 5-6 tuổi, bé mới bắt đầu quá trình thay răng, răng sữa bắt đầu rụng và mọc những chiếc răng vĩnh viễn mới. Nếu trẻ bị sún răng cửa từ sớm, điều này sẽ gây khó khăn cho bé trong việc ăn uống, thậm chí gây nên tình trạng còi cọc, chán ăn.
- Môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn xâm nhập: Nếu cha mẹ để ý, các răng lân cận cũng sẽ gặp phải những trường hợp bị sún tương tự trong một khoảng thời gian nhất định.
- Ảnh hưởng đến phát âm: Khi bé bị sún răng cửa từ sớm, bé còn dễ dàng gặp phải những tình trạng như bị nói ngọng, phát âm không chuẩn. Theo nhiều cuộc đánh giá và nghiên cứu của chuyên gia, bé sẽ gặp phải vấn đề khó phát âm hơn những đứa trẻ có hàm răng chắc khỏe.
- Ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn: Sún răng cửa ảnh hưởng đến quá trình phát triển răng vĩnh viễn sau này của bé. Khi bé bị sún răng cửa từ sớm, lợi sẽ đóng lại sớm hơn trước khi răng vĩnh viễn được mọc lên. Chính vì vậy, nó có thể khiến răng mới mọc lệch hay sai vị trí, gây mất thẩm mỹ.
Cách chữa trị sún răng cửa cho bé
Tuy nhiên, sún răng cửa cũng không phải là không thể chữa trị được. Nếu phát hiện ra sớm, cha mẹ có thể áp dụng một vài cách chữa trị dưới đây nhé!
Bài thuốc dân gian chữa sún răng
Ngoài sử dụng thuốc Đông y, các bậc phụ huynh có thể chữa trị tại nhà bằng cách áp dụng những phương pháp chữa trị dân gian từ xa xưa.
- Lá trầu không: Có một bài thuốc được lưu truyền từ rất lâu, bằng việc sử dụng lá trầu không với khả năng kháng khuẩn cực tốt. Khi phát hiện ra bé bị sún răng cửa từ sớm, cha mẹ hãy dùng cách giã nhuyễn lá trầu ra và đắp lên răng đó trong vòng vài phút. Sau đó cho bé súc miệng lại bằng nước sạch.
- Lá lốt: Bên cạnh lá trầu không, lá lốt cũng là một vị thuốc chữa sún răng hiệu quả. Trong lá lốt có tinh dầu chứa chất Benzyl Axetat giúp kháng khuẩn tốt. Cách dùng cũng giống như lá trầu không, đem giã nhuyễn chắt lấy nước và đắp lên vị trí sún răng cửa.
- Nha đam: Các thành phần có trong gel nha đam cũng có tác dụng cho điều trị sún răng cửa. Ngoài kháng khuẩn, chất trong gel còn có chức năng tái tạo lại men răng. Sau khi cắt nha đam thành miếng nhỏ thì bôi trực tiếp lên vùng răng bị sún. Sau khoảng 3 phút cho bé súc miệng thật sạch.
- Nước muối: Phụ huynh có thể dùng nước muối loãng cho bé súc miệng sau khi ăn uống. Nước muối có tính sát khuẩn cao, giúp ngăn chặn những vi khuẩn có hại cho răng miệng. Đồng thời làm chậm lại quá trình sún răng.
Bổ sung thực phẩm dinh dưỡng
Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe răng miệng cũng là một trong những cách điều trị sún răng cho trẻ hiệu quả. Trong đó, cha mẹ cần chú trọng cho con ăn một số thực phẩm sau đây:
- Sữa: Đây là thực phẩm có hàm lượng canxi, photphat và vitamin D cao – những dưỡng chất vô cùng cần thiết cho răng và xương. Cụ thể, canxi và photphat đóng vai trò bảo vệ cho men răng, hỗ trợ cho quá trình tái tạo và hàn gắn men răng.
- Phô mai: Giúp kích thích hoạt động của tuyến nước bọt, đồng thời cũng chứa một lượng lớn canxi và photphat giúp trung hoà axit cho bề mặt răng chắc khỏe hơn.
- Yogurt: Thực phẩm tốt cho răng với hàm lượng protein và canxi cao. Việc bổ sung yogurt mỗi ngày sẽ giúp trẻ tăng cường sức khỏe răng miệng.
- Táo: Chứa nhiều nước, kích thích quá trình tiết nước bọt. Ngoài ra táo còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Ăn táo sau bữa tối giúp loại sạch mảng bám thức ăn và làm sạch khoang miệng hiệu quả.
- Cam: Cam chứa hàm lượng vitamin C và D cao, rất tốt cho răng miệng. Đặc biệt, nước ép cam có tác dụng làm sạch răng tự nhiên và ngừa sâu răng hiệu quả.
Điều trị chuyên sâu tại các phòng khám nha khoa
Các phương pháp kể trên hầu như chỉ điều trị sún răng ở mức độ nhẹ và phải kiên trì thực hiện mới có thể mang lại kết quả khả quan. Do đó, để điều trị hiệu quả, nhanh chóng và an toàn, cha mẹ nên ưu tiên đưa trẻ tới các phòng khám nha khoa uy tín.
Khi trẻ sún răng ở mức độ nhẹ
Thông thường, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ sún răng của bé mà quyết định trám răng hoặc dùng thuốc đặc trị để chấm vào vùng bị sâu. Cách này vừa giúp sát khuẩn, vừa giảm các cơn đau cho bé. Trong thời gian đợi khám, nếu nhận thấy con bị đau nhức nhiều, cha mẹ có thể dùng thuốc giảm đau để loại bỏ cảm giác khó chịu cho con. Tuy nhiên cần tham khảo qua ý kiến bác sĩ về cách dùng và liều lượng.
Ngoài ra, nếu răng sữa bị sún ở thời điểm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc, bác sĩ có thể điều trị tạm thời và yêu cầu chờ thêm một thời gian để nhổ loại bỏ. Lúc này việc mất đi răng sữa sẽ không gây ảnh hưởng cho sự phát triển của răng vĩnh viễn sau này.
Khi trẻ sún răng ở mức độ nghiêm trọng
Nếu cấu trúc răng của trẻ đã bị phá hủy nặng nề, gây ra những tổn thương nghiêm trọng, các lỗ sâu rộng ra, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ phần sâu, làm sạch khoang miệng. Tiếp đến là khắc phục vết thương bằng phương pháp hàn trám, phủ đầy chỗ khuyết của răng. Nhằm loại bỏ cảm giác đau đớn, cải thiện chức năng ăn nhai và đảm bảo tính thẩm mỹ cho trẻ.
Chúng ta nên cố gắng giữ lại răng sữa cho bé thay vì nhổ bỏ, bởi khi bị mất răng quá sớm sẽ ảnh hưởng tới quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này. Tuy nhiên nếu tình hình chuyển biến nặng, không thể can thiệp bằng các phương pháp điều trị thì bác sĩ buộc phải nhổ răng. Mục đích là để tránh các tác động xấu tới nướu và khiến các răng bên cạnh bị ảnh hưởng.
Cách phòng ngừa tình trạng sún răng cửa ở bé
Sau khi biết được nguyên do và tác hại mà sún răng cửa gây ra, chúng tôi sẽ gợi ý cho các bậc phụ huynh một số biện pháp để phòng tránh tình trạng này cho bé.
Đầu tiên, phụ huynh có thể dạy cho con mình cách vệ sinh răng miệng. Sang đến năm tuổi thứ 2, răng của bé đã phần nào hoàn chỉnh, giai đoạn này bé cũng đã bắt đầu ăn cơm và một vài loại thức ăn của người lớn. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chăm sóc răng miệng cho bé cẩn thận hơn, nên dạy bé các kỹ năng chải răng để bé tự vệ sinh được răng của mình.
Cha mẹ cũng có thể can thiệp vào việc thay đổi thói quen ăn uống cho bé. Không cho tiếp xúc nhiều với các loại thức ăn nhanh, đồ ngọt hay đồ uống có ga. Đồng thời hạn chế cho bé ăn các loại đồ ăn cứng, khó nhai.
Cuối cùng, các bậc phụ huynh hãy thường xuyên cho con mình tới thăm khám tại các phòng khám nha khoa uy tín, để sớm phát hiện vấn đề răng miệng kịp thời và dễ dàng hơn cho bác sĩ trong quá trình đưa ra phác đồ điều trị.
Trên đây là tất cả các thông tin về tình trạng sún răng cửa ở trẻ nhỏ. Hy vọng những thông tin này giúp ích được cho cha mẹ trong việc lựa chọn các phương pháp phòng ngừa và chữa trị kịp thời cho các bé nhà mình.
GỢI Ý DỊCH VỤ
Ngày Cập nhật 08/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!